SƠ LƯỢC LỊCH SỬ VUA LÊ THÁNH TÔNG
(1442-1497)
Lê Thánh Tông là ông vua thứ 5 nhà Hậu Lê, trị vì 38 năm (1460-1497) là ông vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Ông sinh ngày 25/08/1442, con thứ 4 của vua Lê Thái Tông và bà phi Ngô Thị Ngọc Giao (Ngô Thị Ngọc Giao là con của Ngô Từ, một khai quốc công thần của nhà Lê, giúp Lê Lợi từ thủa cơ hàn). Năm 18 tuổi lên ngôi vua, lấy hiệu Quang Thuận(1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497)
Ông sinh ở chùa Huy Văn tên chính là Lê Tư Thành (chùa Huy Văn ở phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội ngày nay). Bốn tuổi được đón vào cung, phong làm Bình Nguyên Vương, ở trong nội triều và học hành cùng các thân Vương, Lê Tư Thành tỏ ra thông minh, chăm học khiến các quan ở Tòa Kinh Diên lấy làm lạ. Nhà sử học Phan Huy Chú đời sau đã nhận xét: “ Tư chất và tính khí vua cao sang, ham học không biết mệt mỏi, tay không rời sách, chủ tử, kinh sử, lịch số, toán chương đều tinh thông”.
Cuối năm 1459, Nghi Dân cùng với phe Đảng giết mẹ con Nhân Tông và đoạt ngôi vua. Giữa năm 1460 các đại thần đã làm cuộc chính biến giết Nghi Dân và đưa Lê Tư Thành lên làm vua, đế hiệu là Thánh Tông.
Có thể nói Lê Lợi là người dành lại đất nước, đến Lê Thánh Tông là người đưa nhà Lê đến giai đoạn thịnh trị nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa… và để lại dấu ấn sâu sắc – triều đại Lê Thánh Tông.
Về kinh tế, ông đặc biệt khuyến khích nghề Nông. Các chức quan như Hà Đê, khuyến nông chuyên để coi sóc đê điều và cày cấy. Ngày nay đã hơn 500 năm một số công trình thủy lợi và khẩn hoang lấn biển dưới triều Lê Thánh Tông vẫn để lại dấu vết. Con đê ngăn nước mặn giúp dân khẩn hoang lấn biển kéo dài từ cửa sông Hồng đến cửa sông Đáy vẫn được gọi là đê Hồng Đức.
Về tổ chức hành chính, Lê Thánh Tông chia nước thành 13 đạo. Đứng đâu mỗi đạo gồm có 3 ti là Thừa ti, Đô ti, Hiến ti. Mỗi ti quản lý các công việc khác nhau. Dưới đạo là phủ, huyện(ở miền núi gọi là Châu). Đặc biệt để quản lý đất nước ông cho vẽ bản đồ 13 đạo. Năm 1465 ông cho các đạo vẽ bản đồ, đến năm 1471 thì hoàn thành. Đây là tập bản đồ sưa nhất mà ông cha ta còn để lại đến ngày nay.
Để bảo vệ chủ quyền dân tộc, ông cho xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh gồm nhiều binh chủng như: Tượng binh, bộ binh, kị binh, thủy binh…và định ra chế độ luyện tập rất chặt chẽ. Đối với biên cương phía Bắc ông tăng cường quân đội cho các Đạo này và khi cần thiết ông cho mở các cuộc hành quân đập tan các cuộc lấn chiếm của nhà Minh. Năm 1471 ông ra lời dụ với các quan rằng: “ Một thước núi, một tấc sông của ta có lẽ nào tự tiện vất bỏ đi được? phải cương quyết tranh luận, không để cho họ lấn dần. Nếu họ không theo có thể sai sứ sang tận triều đình của họ, biện bạch rõ lẽ phải trái. Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất đai của Thái Tổ (Lê Lợi) để lại để làm mồi cho giặc, người ấy sẽ bị trừng trị nặng”.
Trong công cuộc hòa bình, xây dựng đất nước một đóng góp quan trọng của Lê Thánh Tông là ông đã xây dựng được bộ luật mà lịch sử gọi là “Lê triều hình sự” hay luật Luật Hồng Đức. Bộ luật gồm có 721 điều chia thành 14 chương. Theo cách hiểu ngày nay thì đây là Bộ luật tổng hợp, nó bao gồm “Luật hành chình”, “Quân Luật”, “Luật dân sự”, “Luật ruộng đất”, “Luật hôn nhân và gia đình”, “Luật thừa kế”, “Luật tố tụng”, “Luật về các loại hình phạt”… Có thể nói đây là bộ luật thành văn đầy đủ chi tiết nhất của Việt Nam từ trước tới lúc đó. Nó được các triều đại phong kiến Việt Nam sau đó sử dụng, tồn tại ngót 300 năm.
Luật Hồng Đức ra đời với chủ trương đề cao “Pháp trị” nhằm đảm bảo lợi ích của giai cấp phong kiến. Tuy vậy trong đó có nhiều điểm tiến bộ, đặc biệt đề cao vai trò người phụ nữ trong xã hội phong kiến nho giáo vốn thấp kém. Ví dụ như những điều 389,390 quy định: Con gái được quyền chia tài sản bình đẳng như con trai, người vợ khi bỏ chồng có quyền mang theo tài sản riêng và một nửa tài sản chung, nhà không có con trai trưởng, chị có thể lấy ruộng để làm hương hỏa…
Về giáo dục, thi cử, Lê Thánh Tông có nhiều việc làm tiến bộ, ông cho tu sửa và mở rộng khu Văn Miếu- Quốc Tử Giám như mở rộng nhà Thái học, lập kho bí thư. Ông đặt ra lệ sướng danh, lập bia tiến sĩ và lệ cho các ông nghè vinh quy. Chế độ thi cử cũng được đưa vào quy chế chặt chẽ với 3 kỳ tuyển trọn: Thi Hương, thi Hội, thi Đình. Chính vì vậy dưới thời trị vì của ông cũng đào tạo được rất nhiều nhân tài xuất sắc. Tính từ khoa thi tiến sĩ đầu tiên 1442 (dưới triều Lê Thái Tông) đến khoa thi cuối cùng triều Lê 1787 (dưới triều Hiển Tông), tổng số tiến sĩ là 2241 người thì riêng triều Lê Thánh Tông là 501 người (1/4). Trong các khoa thi cử có tất cả 30 ông trạng nguyên thì triều Lê Thánh Tông đã chiếm 10 ông trạng.
Lê Thánh Tông là nhân vật xuất sắc về nhiều mặt, về sự nghiệp văn hóa, ông để lại cho triều đại Lê nói riêng và chế độ phong kiến Việt Nam nói chung những thành tựu to lớn. Ông chủ trương cho biên soạn bộ sử: Đại Việt sử ký toàn thư (1479) và bộ Thiên Nam dư hạ tập (1483). Một sự kiện văn hóa, văn học nổi bật thời Lê Thánh Tông là ông cho lập hội Tao Đàn (Hội thơ) mà ông là người đứng đầu (có dịp nói riêng về hội Tao Đàn). Ngoài ra ông cũng khuyến khích mọi người viết văn thơ Nôm, cho sưu tầm các di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là sửa oan và ra lệnh tìm lại các di cảo của Nguyễn Trãi…
Trong văn học ông là người sáng tác nhiều. Viết bằng chữ Hán có sách Quỳnh Uyển cửu ca, Văn minh cổ xúy (1491), Anh hoa hiếu trị (1468), Chinh tây kỷ hành(1471)… trong các sách này có thể có nhiều bài của các triều thần, viết bằng chữ Nôm có tập Hồng Đức quốc âm thi tập (có 328 bài thơ, trong đó có nhiều bài của ông).
Thơ văn Lê Thánh Tông bộc lộ rõ khuynh hướng sáng tác cung đình, quan phương mang đậm tính thuyết giáo về đạo lý, lễ nghi, hiếu tử, trung thần… Chủ đề sáng tác phần lớn là ca ngợi nhà Lê, ca ngợi phong cảnh đất nước, thỏa mãn với địa vị cao sang của mình. Tuy nhiên trong các tác phẩm ấy đều toát nên một tinh thần yêu nước.
Có thể nói thế kỷ XV là giai đoạn thịnh trị nhất của chế độ phong kiến Việt Nam, triều đại Lê Thánh Tông là triều đại thịnh vượng nhất của nhà Hậu Lê cũng như toàn bộ chế độ phong kiến Việt Nam. Trong thời đại phong kiến, lịch sử đã sản sinh rất nhiều những ông vua được gọi là “Minh quân” thì Lê Thánh Tông là ngôi sao rực rỡ nhất trong các “Minh quân” ấy.